Shabbat yen binh

Shabbat yên bình

  •   Bích Diệp, Báo Người Lao Động
  •  
     
    ​Chiều thứ sáu, trước lễ Shabbat, đường phố vắng tanh. Mọi người đều về nhà để chuẩn bị một bữa tối linh đình cho gia đình. Các cửa hàng, siêu thị, công sở đều đóng cửa, thậm chí các phương tiện giao thông công cộng cũng ngưng hoạt động. Người lần đầu đến Israel đúng những ngày này sẽ cảm thấy bất ngờ và hụt hẫng
     
    Tuần đầu tiên ở Haifa, TP miền Bắc Israel, tôi được tham dự lễ Shabbat truyền thống của người Do Thái. Shabbat, tiếng Hebrew có nghĩa là “nghỉ ngơi”, được coi là thánh lễ của người Do Thái từ hàng ngàn năm nay. Shabbat được bắt đầu vào thời điểm mặt trời lặn của ngày thứ sáu đến sáng chủ nhật, đánh dấu sau 6 ngày làm việc cực nhọc là một kỳ nghỉ ngơi thư giãn hoàn toàn. Người Do Thái xưa cho rằng lễ này là để ăn mừng việc họ thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Ai Cập cổ đại bằng hành trình vượt sa mạc gian khổ để đến miền đất hứa Israel.
     
     
     
  •  
  • BUỔI LỄ THẮP NẾN

  •  
    ​Người Do Thái là dân du mục từ ngàn xưa, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, trong đó chăn nuôi cừu là chính. Trong đời sống của họ, người vợ đóng vai trò chính trong gia đình, là người được thắp lên ngọn nến của ngày Shabbat. Từ hơn 3.000 năm trước, vua Solomon cũng đã viết những dòng chữ đầy yêu thương, trân trọng dành cho các bà “nội tướng”: “Một người vợ cao quý có những tính cách gì? Chồng nàng đặt trọn niềm tin nơi nàng mà không chút đắn đo. Nàng đem đến cho chàng những điều tốt đẹp mà k hông phải là ưu phiền, cho đến khi nàng trút hơi thở cuối cùng. Nàng giống như một con thuyền buôn có thể mang đến cho chàng những thứ chàng cần. Nàng làm việc cật lực với đôi tay mạnh mẽ...”. Vào ngày Shabbat, phụ nữ thường nấu các món ăn truyền thống như bánh mì, thịt cừu, bơ và pho mát.
     
     
    Theo phong tục, người Do Thái không ăn thịt lợn và đồ biển. Vào lúc mặt trời lặn, trong không khí êm ái và bình yên, cô giáo Bracha Steiner, phụ trách các vấn đề về xã hội và văn hóa của Trung tâm Đào tạo quốc tế Golde Meir (MTCT), trùm một chiếc khăn hoa trên đầu bắt đầu nghi thức thắp nến. Ánh nến được thắp sáng trong tiếng đọc kinh trầm ấm của ông Yehoshua Erlich, thầy giáo dạy môn lịch sử và văn hóa Israel. Bên ánh nến bập bùng soi những cốc rượu vang đỏ sánh, Thầy Yehoshua cầm một chiếc khay đựng hai miếng bánh mì to đi đến từng bàn mời mọi người. Tất cả chúng tôi cùng nhấm nháp bánh mì, thưởng thức ly rượu vang đỏ đặc sánh cùng món thịt bò nấu nấm và cá hấp. Mọi người cùng nâng cốc chúc mừng những ngày nghỉ ngơi thư giãn cuối tuần, hứa hẹn những điều thú vị. 
     
    Chiều thứ sáu, đường phố ở Haifa vắng tanh, mọi người đều về nhà để chuẩn bị một bữa tối linh đình cho gia đình. Các cửa hàng, siêu thị, công sở đều đóng cửa, thậm chí các phương tiện giao thông công cộng cũng ngưng hoạt động. Người lần đầu đến Israel đúng những ngày này sẽ cảm thấy bất ngờ và hụt hẫng. Muốn mua sắm hay đi chơi đều phải chuẩn bị từ đầu hoặc giữa tuần. Nếu chẳng may phải đi đâu, phương tiện công cộng duy nhất là taxi với giá 5 shekel (tiền Israel, bằng khoảng 5.000 đồng VN?).
     
     
  • THĂM MỘT GIA ĐÌNH HIẾU KHÁCH

  •  

    ​Một người bạn mới quen, anh Roi Ariel, đã mời tôi đến nhà chơi vào một ngày Shabbat. Ngôi nhà của anh trông thẳng ra Địa Trung Hải. Trong ánh hoàng hôn, biển đẹp huyền ảo với hàng ngàn tia nắng muôn màu. Ngôi nhà được bài trí ngăn nắp, trên tường treo nhiều câu đối bằng chữ Hoa, chữ Nhật. Bố Roi, vốn làm nghề thiết kế, tự hào chỉ một chiếc ghế bành cổ bọc vải đỏ được đặt trang trọng giữa nhà, khoe: “Đây là chiếc ghế nhà bác học Albert Einstein đã từng ngồi. Bố tôi đã từng là chủ khách sạn nơi nhà bác học đã ở lại khi đến thăm Haifa vào năm 1923. Giờ đây, theo truyền thống, mỗi khi con cái chúng tôi thi vào đại học, chúng tôi đều đến ngồi vào chiếc ghế này để mong thấm sâu được sự uyên bác và trở thành người giỏi giang như ông”. Mẹ Roi có dáng người đẫy đà và tính tình niềm nở. Bà đón chào khách bằng một bữa ăn tuyệt vời với các món rau tươi trộn, bánh mì, bánh nướng tự làm. Sau bữa ăn, bà mang ra một chiếc bánh gatô phủ đầy sô-cô-la. Dưới ánh trăng, chúng tôi kể cho nhau về cuộc sống riêng của mình, về phong tục, tập quán, đất nước, con người. Roi cho biết, theo phong tục, người Israel thường ở nhà nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách, đi thăm người thân hoặc bạn bè, đi du lịch nhân ngày Shabbat. Cánh thanh niên tận dụng những ngày Shabbat để đi ra biển hoặc khám phá những thành phố mới. Roi Ariel đang trong thời gian quân ngũ và phục vụ trong hải quân. Tham gia quân đội cũng là cách các chàng trai, cô gái xứ sở này có được một khoản thu kha khá. Sau 3 năm tại ngũ, họ sẽ dùng số tiền tiết kiệm được để đi du lịch hoặc đăng ký học tại một trường đại học nào đó.

     

  • Các bạn VIETNAM giỏi quá!

  •  
    ​​Ở Haifa dường như không có người VN sinh sống. Thông tin về VN cũng không nhiều. Không ít người chỉ biết đến VN qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi biết tôi là người VN, một anh lái taxi ra dấu tay hình chữ V, thốt lên: “ Các bạn VN giỏi lắm, đánh thắng cả Mỹ!”.

    Cả nhà Roi Ariel, người bạn Israel tôi mới quen, đều rất muốn được hiểu biết về VN. Họ hỏi tôi tỉ mỉ về tình hình phát triển hiện nay của VN. Roi cho biết, bạn bè anh sang thăm VN đều rất bất ngờ trước vẻ đẹp của đất nước cũng như cuộc sống sôi động, đổi mới nhanh chóng ở đây, khiến anh rất khao khát được khám phá. Roi bảo sẽ dành tiền để đi du lịch châu Á sau khi mãn hạn nghĩa vụ quân sự. Anh tâm sự: “Châu Á luôn quyến rũ tôi. Tôi đang học tiếng Trung Quốc để đến thăm Thượng Hải, nơi anh trai tôi đang làm việc. Tôi sẽ đến VN để được tận mắt ngắm đất nước của bạn. Tôi muốn được đến Hà nội để đi xe đạp trên những con phố cổ kính”. Yêu thích sự bí ẩn của văn hóa phương Đông, Roi Ariel cũng đang cần cù luyện tập môn võ Taichi và học thuộc nhiều lời dạy của Lão Tử, Trang Tử.